Cách đây 65 năm, có một con đường đánh dấu mốc lịch sử
quan trọng của dân tộc Việt Nam con đường mang tên “Đường Hồ Chí Minh”. Đây là con
đường giao thông huyết mạch, mạng lưới giao thông quân sự chiến lược để vận
chuyển binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường
miền Nam. Trên tuyến lửa ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong,
dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám rừng, bám đường làm nên những chiến công
vang dội.
Nhắc đến ngày ấy, chúng ta không thể nào quên
Đoàn công tác đặt biệt là Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, đất
nước ta bị chia cắt làm hai miền. Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng
trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Tháng
1-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15
(khóa II) đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị
khẳng định việc mở đường vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam là nhiệm
vụ hết sức quan trọng, cấp bách. Trước tình hình đó, tháng 5/1959, Tổng Quân ủy
và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi
là Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ
đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc với phương thức vận chuyển ban đầu
hết sức thô sơ, chủ yếu là đi bộ, mang vác, gùi thồ.
Sau
một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính
thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường
vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn,
tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Con đường được mở đúng ngày
sinh của Bác nên được mang tên “Đường Hồ Chí Minh”.
Để
hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu
của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu
đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: Xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ
khí, chế biến thực phẩm.
Đầu
tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm
giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng
Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5.
Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc
nghiệt. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói,
nói không tiếng”.
Ngày
13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm,
chuyến hàng ấy được bàn giao Liên khu 5 tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn,
20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường đã làm nức
lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5.
Kết
thúc năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ
binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu cùng 542 cán bộ,
chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.
Đường
Hồ Chí Minh là tuyến vận tải quân sự chiến lược, hoành thành xất sắc nhiệm vụ
chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền
Nam.
Trong
16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu
trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000
tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện
chiến tranh khác của địch.
Không
chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, hậu phương trực tiếp, căn cứ của chiến trường
miền Nam mà còn là tuyến vận tải đảm bảo chi viện đắc lực cho chiến trường Lào
và Campuchia. Từ năm 1959 - 1964 chuyển hàng và tổ chức hành quân cho các đơn
vị vào chiến trường miền Nam và Lào được 10.136 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật,
hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng nghìn tấn hàng quân sự. Năm 1970 vận chuyển
trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho lực lượng Campuchia phối
hợp với Quân giải phóng miền Nam đập tan cuộc hành quân Chen-la 1 của
Mỹ-Thiệu-Lon Non. Năm 1973 -1974 vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam,
Lào, Campuchia một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 -1972, tạo
điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam, Lào, Campuchia tiến lên giành thắng
lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán
bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương binh,
hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ
đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến
dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường
huyền thoại này.
Dưới
sự chỉ đạo của Đảng và sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, quân
sự và khoa học, nghệ thuật quân sự để giải quyết thành công một loạt vấn đề rất
mới thuộc về vận tải chiến lược trong chiến tranh của Quân đội ta thời kỳ kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước trên tuyến đường Trường sơn - Đường Hồ Chí Minh, góp
phần cùng toàn dân, toàn quân giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước.
Kỷ
niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn là
dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha
anh đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước”; Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân trên địa bàn xã Khánh Hải nói
riêng mãi khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến,
thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc
đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu làm nên con đường huyền thoại Đường Trường
Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Phát
huy chủ nghĩa anh hùng các mạng và phẩm chất cao quý của Bộ đội Trường Sơn, cấp
ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân xã Khánh Hải nguyện ra sức thi đua
học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng.