Quốc tế thiếu nhi 01/6 được biết đến là ngày
Tết dành cho trẻ em. Đây là dịp để ông bà, cha mẹ thể hiện tình yêu thương dành
cho trẻ và tạo sân chơi cho trẻ được được vui chơi, giải trí, được nhận những
lời chúc mừng và món quà ý nghĩa từ người thân.
* Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6
Vào rạng sáng ngày 01/6/1942, quân
phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông,
196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát 66 người và đưa 104 em
thiếu nhi bị đưa vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 09
em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít.
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít
Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ,
trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm
thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô
tội đã bị phát xít Đức sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc
tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm
đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm
ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên,
nhi đồng.
* Ngày Quốc tế Thiếu nhi ở Việt Nam
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và
nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em - Văn kiện
pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên
tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc
lập, ngày 01/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành
ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (01/6/1950)
trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải
qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới
thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó,
hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân
hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.
Bác Hồ luôn hết sức quan tâm, dạy bảo
các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã trở thành
nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Năm điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng hàm chứa những truyền
thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta. Ðó là truyền thống yêu nước nồng
nàn, kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược; ham học hỏi, cầu tiến bộ;
đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm,
sáng tạo và mối quan hệ tin cậy, chân thật trong cộng đồng.
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là
tương lai của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu
thiếu niên, nhi đồng tình yêu thương và quan tâm đặc biệt. Trong Di chúc thiêng
liêng trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi
dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần
thiết”.
Trong những năm qua, thấm nhuần lời
dạy của Bác Hồ kính yêu, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã
hội, trường học và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn xã Khánh Hải luôn coi
nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến
lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước; luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí
Minh:“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm
thì phải trồng người”.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày
25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ
trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp
tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công
tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tổ chức quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách
của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo thông qua các Nghị
quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
trẻ em.